Bạn được giao nhiệm vụ giải quyết các tình huống “khó nhằn”
Khi sếp bắt đầu giao cho bạn những nhiệm vụ phức tạp hoặc tình huống “khó nhằn”, thường nhằm để kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề và khả năng ứng phó trong những tình huống căng thẳng của bạn. Bạn có thể được giao nhiệm vụ hòa giải xung đột giữa các thành viên trong nhóm. Hoặc có thể sếp sẽ yêu cầu bạn giải quyết những vấn đề bất ngờ, như phản hồi khách hàng về một sản phẩm gặp lỗi hoặc xử lý vấn đề về hiệu suất của nhóm.
Đây đều là những tình huống yêu cầu bạn phải luôn giữ bình tĩnh và nhìn nhận vấn đề một cách lý trí. Tránh phản ứng thái quá hay quá xúc động trước tình huống, vì sếp sẽ để ý xem bạn có khả năng kiểm soát cảm xúc hay không. Quan trọng hơn cả, dù đó là nhiệm vụ phức tạp hay căng thẳng, bạn hãy nhớ luôn báo cáo lại tiến độ và kết quả cho sếp. Để sếp theo dõi tình hình và cho thấy bạn biết cách làm việc dưới sự chỉ đạo cũng như phối hợp nhịp nhàng với cấp trên.
Dành thời gian hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm riêng
Một dấu hiệu quan trọng cho thấy sếp đang kỳ vọng vào bạn chính là khi họ dành thời gian riêng để hướng dẫn và chia sẻ những kinh nghiệm sâu sắc trong công việc. Đây không chỉ là các chỉ dẫn về kỹ thuật hay quy trình đơn thuần, mà thường là những bài học “xương máu” mà sếp đã rút ra từ kinh nghiệm cá nhân.
Sếp có thể chia sẻ với bạn cách họ đưa ra các quyết định lớn, bí quyết trong việc quản lý đội ngũ, hoặc chiến lược xử lý rủi ro. Thực tế đây đều là những kiến thức thường không có trong sách vở mà đòi hỏi sự trải nghiệm của chính họ. Khi nghe những chia sẻ này, bạn hãy lắng nghe với sự tôn trọng và nên đặt ra những câu hỏi cụ thể để hiểu rõ hơn về góc nhìn của sếp.
Việc sếp dành thời gian riêng cho bạn không chỉ là một điều đáng quý, mà còn là một tín hiệu mạnh mẽ rằng họ thấy tiềm năng phát triển ở bạn và muốn bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình.
Thường xuyên đánh giá, phản hồi về điểm mạnh – yếu
Khi sếp dành thời gian để thường xuyên đánh giá và phản hồi về điểm mạnh và điểm yếu của bạn, đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ đang chú ý đến sự phát triển cá nhân của bạn với mong muốn “mài giũa” bạn thành một người kế thừa xứng đáng. Thay vì chỉ đánh giá một cách tổng quát, sếp có thể đưa ra những nhận xét rất cụ thể về kỹ năng chuyên môn của bạn, cách bạn xử lý tình huống, hoặc phong cách giao tiếp với đồng nghiệp.
Sếp cũng có thể sẽ yêu cầu bạn đặt ra những mục tiêu rõ ràng nhằm cải thiện những điểm yếu hoặc tối ưu hóa điểm mạnh của mình. Không chỉ vậy, họ không chỉ đánh giá một lần là xong, mà còn chủ động theo dõi và phản hồi về sự tiến bộ của bạn trong thời gian dài.
Được gặp các đối tác cấp cao và khách hàng lớn của công ty
Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sếp đang định hướng bạn trở thành người kế thừa là khi họ đưa bạn tham gia các buổi gặp gỡ với đối tác cấp cao hoặc khách hàng quan trọng của công ty. Sếp có thể đưa bạn đến các cuộc họp quan trọng với đối tác chiến lược hoặc khách hàng chủ chốt để lắng nghe và nắm bắt cách thức xây dựng quan hệ đối tác, cách đàm phán cũng như xử lý các yêu cầu phức tạp.
Nếu sếp giới thiệu bạn với đối tác như một người chủ chốt trong công ty hoặc người sẽ phụ trách một phần quan trọng trong dự án, cho thấy họ đang xây dựng hình ảnh của bạn như một “người kế thừa” tiềm năng.
Khi sếp cho bạn tham gia gặp gỡ các đối tác cấp cao và khách hàng quan trọng, đó là một cơ hội lớn để bạn học hỏi và tích lũy kinh nghiệm quý giá trong môi trường kinh doanh chuyên nghiệp. Hãy coi đây là cơ hội để chứng minh rằng bạn sẵn sàng cho những trọng trách lớn hơn.
Tạo cơ hội để bạn thể hiện vai trò lãnh đạo
Nếu sếp thường xuyên tạo cơ hội để bạn dẫn dắt một nhóm hoặc phụ trách các dự án quan trọng, đó cũng là dấu hiệu họ muốn kiểm chứng khả năng lãnh đạo và định hướng phát triển của bạn. Sếp có thể bắt đầu giao cho bạn các nhiệm vụ lớn với quyền tự chủ cao. Bạn sẽ phải tự đưa ra các quyết định quan trọng, từ phân bổ nguồn lực đến lập kế hoạch và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Khi sếp giao cho bạn vai trò trưởng nhóm hoặc trưởng một dự án nào đấy, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn thử sức với các kỹ năng quản lý, điều phối công việc, xử lý xung đột,… Vậy nếu bạn được giao quyền lãnh đạo, hãy chứng tỏ sự nghiêm túc và sẵn sàng học hỏi. Đừng ngại hỏi sếp hoặc đồng nghiệp có kinh nghiệm để hiểu rõ hơn về vai trò của mình và nắm bắt cách điều hành hiệu quả.
Mỗi phản hồi từ sếp là một bài học quý báu giúp bạn cải thiện kỹ năng lãnh đạo. Hãy tận dụng cơ hội này để không ngừng hoàn thiện bản thân, khẳng định vị thế và thể hiện rằng bạn sẵn sàng cho vai trò kế thừa trong tương lai.
Nếu bạn nhận ra mình đang trải qua một hoặc nhiều trong số những dấu hiệu trên, hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đón nhận những thách thức lớn hơn trên con đường sự nghiệp. Vai trò kế thừa là một vinh dự, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi sự nỗ lực của bạn để hoàn thiện bản thân. Biết đâu, một ngày không xa, bạn sẽ là người kế thừa của sếp để dẫn dắt đội ngũ, tạo ra giá trị và truyền cảm hứng cho những thế hệ tiếp theo của công ty.
— HR Insider—