Mỗi ngày, Phan Linh (sinh viên năm thứ hai tại Hà Nội) đều đặn đi làm thêm tại một quán cháo gần phòng trọ. Đây là công việc Linh đã gắn bó từ năm nhất đại học.
"Mình đi làm thêm 8-11 giờ mỗi ngày. Nhiều hôm đi làm về mệt quá, mình lên giảng đường trong trạng thái uể oải, có khi ngủ gật, không tiếp thu được nhiều", Linh chia sẻ.
Vắt sức làm thêm
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Linh cho biết cô từng phải dừng học đại học để đi làm phụ giúp kinh tế gia đình. Sau đó, Linh thi lại và hiện tự lo toàn bộ học phí và sinh hoạt phí. Chính vì vậy, nữ sinh không thể không đi làm thêm.
Tuy nhiên, mức lương chưa đến 20.000 đồng/giờ khiến Linh buộc phải tăng số giờ làm để có thu nhập vừa đủ ăn học. Cứ trống lúc nào, Linh đi làm lúc đó. Nhiều hôm, nữ sinh đi làm từ 5h. Có hôm được nghỉ, cô làm từ nửa buổi sáng đến tận 21h.
"Bỏ balo xuống là mình bắt tay vào làm. Bài vở trên lớp, mình hoàn thiện vào đêm khuya. Có hôm mệt quá, không thể ôn bài, mình đi ngủ luôn", Linh chia sẻ.
Hầu như chỉ ngủ 4 giờ/ngày, ăn uống lại thất thường, sức khỏe của nữ sinh suy giảm khá nhiều. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc học dù Linh đã cố gắng cân bằng. Thỉnh thoảng đạt điểm kém hay trượt môn, Linh buồn và hối hận vì đi làm thêm quá nhiều rồi lại tốn tiền học lại. Nhưng nếu không làm, nữ sinh sẽ không có chi phí ăn học.
Nguyễn Thảo (sinh viên năm thứ ba tại Hà Nội) cũng đi làm 8-9 giờ mỗi ngày tại một quán ăn. Ca làm có thể từ sáng đến chiều, từ chiều đến đêm, hoặc ca gãy (nửa buổi sáng và nửa buổi tối), tùy theo lịch học của Thảo.
Nữ sinh kể ca tối có thể kết thúc lúc 23h hoặc 0h. Nếu hết khách, cô phải ở lại dọn dẹp xong mới được rời quán, về đến nhà trọ có khi cũng gần 1 giờ sáng. Tắm giặt muộn, quá mệt nên nhiều khi Thảo không còn đủ sức học bài. Nếu sáng hôm sau phải đi học sớm, nữ sinh uể oải, nằm dài ra bàn.
Thảo kể ban đầu không tính làm nhiều như vậy, chỉ muốn phụ giúp bố mẹ, nhưng càng làm, cô càng ham. Việc học trên lớp cũng không có hiệu quả, chỉ đủ để qua môn nên Thảo càng mất động lực, không muốn học, chỉ muốn đi làm để có thu nhập.
"Tiền lương làm thêm đủ để mình lo tiền sinh hoạt, phụ giúp bố mẹ một phần học phí, nhưng kết quả học tập của mình thì sa sút", Thảo chia sẻ.
Ưu tiên nhất là việc học
Khác với An hay Thảo, Vũ Đạt (sinh viên năm hai tại Hà Nội) không làm thêm quá nhiều. Ngoài học trên trường, về nhà, Đạt dành phần lớn thời gian để tự học. Nam sinh nói không có nhiều thời gian cho làm thêm bởi việc học hành cũng đã chiếm hết thời gian trống. Bên cạnh đó, hàng tháng, gia đình vẫn chu cấp vừa đủ tiền để Đạt ăn học.
Hai ngày cuối tuần, Đạt sẽ đi dạy gia sư hai ca, số tiền kiếm được mỗi tuần khoảng 300.000 đồng, đủ để nam sinh tiêu vặt mà không phải xin thêm bố mẹ.
Ở Việt Nam, hiện chưa có số liệu về tỷ lệ sinh viên làm thêm trên quy mô cả nước. Tuy nhiên, một số nghiên cứu, khảo sát vấn đề này cấp trường cho thấy phần đa sinh viên đang hoặc từng đi làm thêm. Theo một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Cần Thơ, 50,3% sinh viên được khảo sát trả lời có đi làm thêm trong thời gian học tại trường.
Khảo sát năm 2020 với sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng chỉ ra 94,1% sinh viên được hỏi (689/732 sinh viên) đã và đang đi làm thêm.
Điều này dễ hiểu vì sinh viên ngày nay rất năng động, họ muốn học hỏi thêm kinh nghiệm, tránh lãng phí thời gian, tạo ra thu nhập để giúp đỡ gia đình hay chứng minh bản thân... Tuy nhiên, việc làm thêm cũng khiến sinh viên đối mặt với không ít thách thức, như Phan Linh hay Nguyễn Thảo.
Vì vậy, cả Đạt và Linh đều cho rằng nếu điều kiện gia đình không quá khó khăn, sinh viên không nên đi làm thêm quá nhiều. Điều cần ưu tiên nhất là việc học bởi đại học là khoảng thời gian để sinh viên phát triển kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Mỗi người nên có kế hoạch chi tiết thời gian học tập cho từng giai đoạn.
"Làm thêm giúp sinh viên được va chạm, có thêm kỹ năng. Nhưng nếu làm thêm mà bỏ bê việc học, tiền lương không đủ tiền học lại, đánh đổi tương lai thì mình nghĩ không nên", Đạt nhìn nhận.
Nam sinh cũng cho rằng nếu làm thêm, sinh viên chỉ nên dừng ở mức làm quen môi trường, đầu việc sau khi ra trường mình có thể gặp.
Nếu có thể, các bạn hãy lựa chọn những công việc đúng chuyên ngành. Điều này giúp các bạn có thể tích lũy kinh nghiệm ngay khi còn trên giảng đường. Khi ra trường, tìm việc làm chính thức cũng dễ dàng hơn.
Trong khi đó, Phan Linh khuyên sinh viên khi làm thêm cần tìm hiểu thật kỹ về nơi làm việc, nên tìm các địa chỉ uy tín hoặc các chuỗi cửa hàng lớn. Các bạn có thể tham khảo thông tin và ý kiến của người có kinh nghiệm và nên ký hợp đồng lao động. Linh cũng mong muốn các trường đại học có thể mở rộng kênh giới thiệu việc làm cho sinh viên để các bạn tìm được địa chỉ uy tín.
Linh cũng nói bản thân đang điều chỉnh thời gian làm thêm để cân bằng hơn, tránh ảnh hưởng đến học tập.
-------------
Theo: Znews